Các đồng chí lãnh đạo thắp hương trước khi các vị sư tiến hành nghi Lễ Cúng Trăng. Ảnh: NGỌC NHÂN
Các vị đại biểu đã có mặt từ rất sớm để xem Ban Tổ chức lễ sửa soạn trang trí vật phẩm trên bàn lễ chờ trăng lên cao, đúng 19 giờ 30 phút chương trình phục dựng Lễ Cúng Trăng bắt đầu. Sau đó mọi người tiến hành thắp hương, các vị sư bắt đầu đọc kinh cầu nguyện, trên chiếc chiếu trải ngay ngắn sau bàn lễ, người lớn và trẻ em cùng ngồi chắp tay lắng nghe rất thành kính. Theo vị Achar cho biết, bàn lễ trưng bày các vật phẩm như: hai cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho vành đai vũ trụ; cái bàn tượng trưng cho trái đất; hai cây mía tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở; ba cây nến cắm trên cổng tượng trưng cho ba mùa trong năm nắng, mát, mưa; 12 lá trầu được treo hai bên cổng tượng trưng cho 12 tháng trong năm và 12 con giáp; 7 trái cau có hình dáng con ong bầu tượng trưng cho bảy ngày trong tuần; 30 lá trầu đặt bên phải bàn cúng tượng trưng cho tháng đủ; 29 lá trầu đặt bên trái bàn cúng tượng trưng cho tháng thiếu và một số bánh kẹo, khoai củ, chuối, cốm dẹp… để dâng cúng và tưởng nhớ đến công ơn thần mặt trăng, vốn được đồng bào Khmer coi là thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, giúp cho con người làm ăn phát đạt trong năm mới.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Sơn Pô - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, theo quan niệm của người Khmer, Lễ Cúng Trăng là để tạ ơn thần mặt trăng trong năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, Lễ Cúng Trăng là phong tục truyền thống góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Qua đó, còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách dân tộc, phát huy tiềm năng thế mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh gắn với chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội. Lễ Cúng Trăng năm nay nằm trong chuỗi các sự kiện Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 góp phần làm cho không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nhiệt, tạo nên sự đa dạng văn hóa của lễ hội, vừa tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng, phục vụ phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, miền, vừa gắn với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiếu số, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Điểm mới năm nay là có thêm tiết mục trình diễn làm bánh pía truyền thống của người Hoa Sóc Trăng, với ý nghĩa cộng đồng ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa luôn gắn bó trong cuộc sống lao động. Việc tổ chức làm bánh Pía trong ngày Lễ Cúng Trăng còn nhằm tôn vinh những nghệ nhân đã có công gìn giữ, truyền dạy, bảo tồn và phát huy thương hiệu di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, giới thiệu cho du khách gần xa và người dân Sóc Trăng hiểu và tự hào về quê hương Sóc Trăng còn có rất nhiều nghề truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước./.
NGỌC NHÂN