Thứ 5,17:00 09/01/2025
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 diễn ra từ ngày 09/11/2024 đến hết ngày 15/11/2024
Nghi lễ hạ thủy ghe ngo - nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer 09/11/2024
STO - Đua ghe ngo là một trong những môn thể thao truyền thống hấp dẫn đặc trưng của người Khmer Nam Bộ. Giải đua năm nay diễn ra vào ngày 14 và 15/11, tại đoạn sông Maspero (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Trước khi đến với hội đua, các chùa Khmer có đội ghe ngo tham gia tổ chức trang nghiêm nghi lễ hạ thủy ghe ngo. Đây là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer có từ lâu đời.

Vào những ngày này, đến các chùa Nam tông Khmer - nơi có đội ghe ngo chuẩn bị tham gia Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI (gọi tắt là Lễ hội) và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, chúng ta thấy không khí tập luyện thật sôi nổi, hào hứng. Các chùa cũng đã chuẩn bị vật lễ và tổ chức nghi thức hạ thủy ghe ngo.

Ngay từ sáng sớm, chúng tôi có mặt tại chùa Ta Kúch Chắs (Trà Quýt cũ), xã Thuận Hòa (huyện Châu Thành) thấy rất đông vận động viên, bà con phật tử tề tựu về chùa chứng kiến nghi thức hạ thủy ghe ngo. Buổi lễ được Ban Quản trị chùa tổ chức trang hoàng, với nhiều lễ vật, như: sla-thor đôn (làm bằng quả dừa) hoặc sla-thor chếk (thân cây chuối) để cắm nhang và đèn cầy.

Cụ bà Lâm Thị Bên, ngụ ấp Xây Cáp, thị trấn Châu Thành đang trang trí chiếc sla-thor chếk chia sẻ: “Những chiếc sla-thor này, bà cùng với một số phật tử trong bổn đạo đến chùa tiếp làm trước đó một ngày để đặt dọc theo hai bên ghe ngo và đầu ghe, còn chiếc bai-sây được trang trí từ thân cây chuối, lá dừa. Việc tổ chức cúng và làm nghi thức lễ hạ thủy ghe ngo đã có từ khi nhà chùa có chiếc ghe ngo, để cầu mong vị thần bảo hộ ghe ngo cho các vận động viên trong đội tham gia lễ hội bình an và đạt thành tích cao mang về cho bổn chùa và địa phương”.

Các nghi lễ hạ thủy ghe ngo đã được tiến hành khi các vị sư và thành viên của ban quản trị đứng ra làm chủ lễ, khấn nguyện vị thần bảo hộ ghe ngo đi theo giúp sức để ghe giành chiến thắng trong các cuộc thi sắp tới. Lực lượng vận động viên tham gia bơi đứng hai bên ghe ngo để nghe các vị sư tụng kinh chúc phúc, cầu sự bình an và tăng thêm sức mạnh.

Sau khi làm nghi lễ hạ thủy, lực lượng vận động viên đội ghe ngo chùa Ta Kúch Chắs, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) hợp sức nhấc bổng chiếc ghe xuống nước đến nơi tập luyện. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đối với đồng bào Khmer, nghi lễ hạ thủy ghe ngo vừa mang tính truyền thống, vừa mang yếu tố tâm linh và là nét văn hóa đặc sắc riêng góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nền văn hóa chung của cộng đồng. Việc tổ chức hạ thủy ghe ngo tùy theo một số chùa tự chọn ngày lành, giờ tốt.

Tại chùa Serey Muni Sang Ke, xã Trường Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng), không khí của buổi nghi lễ hạ thủy được Ban Quản trị chùa tổ chức trang hoàng, với ý niệm “vạn vật hữu linh”, người Khmer tin rằng ghe ngo cũng là vật thiêng liêng. Ông Thạch Thanh - Trưởng Ban Quản trị chùa khẳng định: “Nghi lễ hạ thủy là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu. Bởi mục đích chính là cúng các vị thần bảo hộ ghe ngo. Năm nay, nhà chùa tổ chức hạ thủy ghe ngo sớm hơn để tham gia Giải đua ghe Ngo truyền thống huyện Long Phú lần thứ XVIII năm 2024. Đối với ghe ngo chùa Sang Ke cúng ở đầu ghe và mũi ghe thường có các mâm bánh, đầu heo, vịt luộc. Sau nghi thức vẩy nước của vị sư trụ trì cho các tay bơi là phần lễ cúng đầu ghe của thầy cúng. Trước khi tiến hành lễ cúng đầu ghe ngo, các vị achar, người có uy tín trong bổn chùa cùng khấn nguyện các vị thần bảo hộ ghe ngo đi theo giúp sức cho đội. Đội dàn nhạc cụ truyền thống của chùa cũng bắt đầu mở màn thỉnh nhạc và dạo nhạc cúng nổi vang lên. Các nghệ nhân, nhạc công thực hiện các bài hát theo trình tự, như bài: Sene kru (cúng thần trên), chom riêng bơk both tuk ngo (hát mở đầu) và run tua (hát theo dàn)… Sau đó, lực lượng vận động viên đồng loạt hợp sức nhấc bổng chiếc ghe xuống nước để đưa đến nơi tập luyện, kiểm tra đon san-tuoch (chiếc cần câu) và thử tốc độ ghe ngo. Tất cả kỳ vọng, đội ghe ngo của chùa tham gia lễ hội năm nay sẽ giành chiến thắng đạt thứ hạng cao”.

Với đồng bào Khmer, chiếc ghe ngo chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh. Do đó, ghe ngo luôn được nhà chùa bảo quản trong một mái nhà rất cẩn thận, được đặt ở vị trí trang trọng nhất và mỗi khi tham gia hội đua, nhà chùa phải tổ chức nghi thức lễ hạ thủy cho phù hợp và vẫn giữ gìn được nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

THẠCH PÍCH

Nguồn: Báo Sóc Trăng

@Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng 2024 Ghi rõ nguồn khi lấy lại thông tin từ website này